MỘT SỐ KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ WASH, GIẶT HÀNG MAY MẶC

MỘT SỐ KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ WASH, GIẶT HÀNG MAY MẶC

Công ty bạn đang làm về ngành may mặc như sản xuất hàng thun, jean, khaki, sơ mi, áo khoác, vải…các loại. Thông thường vải trước may thành phẩm sẽ thô cứng tạo nên do lớp hồ cứng khi dệt vải tạo thành. Chính vì vậy, bạn thường suy nghĩ đến việc giặt hoặc làm thế nào cho lớp hồ cứng này tan ra, các sợi vải bong lên, mềm hơn, mịn hơn để người mua hoặc người mặc chúng cảm thấy thoải mái hoặc dễ dàng lựa chọn. Thuật ngữ chuyên ngành gọi đây là softener wash, silicone wash hay gọi chung là giặt hay wash.

Tuy nhiên cũng có nhiều loại quần áo không cần đến wash, chẳng hạn như quần áo thể thao, đồ bơi, áo polo, đồ lót, áo len, đồ y tế, một số loại jacket bởi các thành phần sợi của chúng cấu thành từ polyester, spandex, sợi bông, lông vịt… rất cứng hoặc rất mỏng không phù hợp để wash sau khi may.

MỘT SỐ KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ WASH, GIẶT HÀNG MAY MẶC 1
Ngoài mục đích muốn sản phẩm vải hoặc thành phẩm mềm hơn, mướt hơn khi wash, người ta còn mong muốn sau wash, giặt các sản phẩm này sẽ đạt được độ co rút nhất định, tức là sau khi bán cho người tiêu dùng quần, áo hoặc vải sẽ không còn rút sợi vải nữa khi qua máy giặt ở nhà, quần áo thành phẩm sẽ đạt được độ chuẩn của các thông số các vòng mà các công ty may đã tính toán sẵn. Hơn nữa giặt bình thường kiểu này sẽ góp phần làm sạch bụi vải, thậm chí nếu cần nó cũng giúp tăng trọng lượng vải. Thuật ngữ chuyên ngành gọi đây là garment wash.
Garment wash, silicone wash, softener wash là các kiểu giặt wash thông thường áp dụng trên áo thun, áo sơ mi, quần khaki, vải các loại, áo khoác cotton…với mức chi phí khá mềm thường được các công ty may lựa chọn.

Với những loại quần áo chất liệu vải dày hơn khi muốn làm mềm hơn mà cả softener hay silicone wash vẫn chưa đủ thì người ta tìm đến loại wash gọi là enzyme wash/bio wash. Enzyme wash là loại giặt dùng chất enzyme tốn chi phí hơn so với các loại giặt thông thường trước đó. Người ta đồng thời cũng chọn giặt enzyme để quần áo hay vải trông bạc hơn, bụi hơn và sờn hơn với việc tạo độ cấn mà hóa chất này đem lại. Quần khaki, quần jean, áo jean, áo khoác dày muốn đạt được độ mềm, cấn đẹp tại vị trí đường may thì enzyme wash luôn là sự lựa chọn tốt nhất. Một số loại nón ngoài garment wash cũng có thể áp dụng wash chế độ enzyme để vành nón đạt được độ bào mòn tự nhiên, bụi bặm thích hợp cho người có phong cách trẻ trung, năng động. Enzyme wash được áp dụng cả trên áo thun dày, áo khoác, quần khaki, quần jean, thỉnh thoảng áo sơ mi…

Các nhà máy may sử dụng đến wash để đạt được yêu cầu cần thiết nhằm hoàn thiện sản phẩm của mình trước khi đem bán cho người tiêu dùng cuối cùng, tuy nhiên không phải kiểu wash nào cũng có thể áp dụng phù hợp, bởi các loại vải khác nhau sẽ thích hợp với một số kiểu wash mà chính các nhà máy wash sẽ là đơn vị tư vấn khách quan nhất cho các Khách hàng của mình.

Cũng xin lưu ý rằng tất cả các sản phẩm đem đi wash sẽ có độ hao hụt nhất định như lủng, rách, khác ánh màu, xước sợi…. tùy thuộc vào từng loại hàng. Bởi vì hàng mới may khi qua giặt sẽ chịu tác động lớn của lực nước, nhiệt độ giặt, nhiệt độ sấy, ảnh hưởng của hóa chất tương ứng cho từng kiểu wash. Điển hình thường thấy ở đây là những lỗ kim khi may không nhìn thấy sẽ bị xì hoặc bung ra thành lỗ nhỏ sau wash. Áp lực nước lớn và quá trình đảo mạnh quần áo trong máy giặt thỉnh thoảng sẽ xảy ra tỉ lệ nhỏ một số cái bị rách. Ngoài ra sẽ có xảy ra tình trạng lem hay vây màu từ màu tối sang màu sáng gây nên do chất lượng hình thêu, hình in, màu nhuộm của vải, chỉ thêu, chỉ may kém.
Nhận thức được rủi ro của những loại hàng chắc chắn xảy ra lem màu sau wash, các xưởng may thường đề xuất với các xưởng wash giặt xử lý lem màu hoặc cầm màu để hạn chế lem màu từ tối sang sáng hoặc xả hết màu dư để khi người tiêu dùng cuối cùng giặt sau khi mặc không còn bị ra màu như chúng ta thường thấy. Chi phí cho việc giặt/wash xử lý lem màu sẽ cao hơn nhiều so với các loại giặt thông thường khác và thậm chí hơn cả chi phí của enzyme. Để tránh tình trạng phải cần đến giặt xử lý lem màu bạn cần lưu ý một số điểm sau:
– Khi chọn mua vải đã nhuộm màu sẵn, bạn nên chọn loại vải tốt với màu nhuộm tốt cùng độ cầm màu nhuộm cao
– Khi may hàng thành phẩm, bạn nên hạn chế phối nhiều màu vải trên cùng thân áo hoặc quần, đặc biệt là phối cùng lúc màu tối và sáng; hoặc trước khi phối bạn nên giặt trước từng chi tiết này trước khi may chúng lên cùng 1 sản phẩm

Trên đây chúng tôi vừa tư vấn cho các bạn tìm hiểu sơ lược một số kiểu wash giặt cơ bản. Lần tới chúng tôi sẽ tư vấn hoặc góp chút kinh nghiệm trên một số kiểu wash phức tạp hơn như acid wash, mineral wash, burn out wash, stone wash! Xin cám ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này!

MỘT SỐ KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ WASH, GIẶT HÀNG MAY MẶC 2

Mọi thông tin cần tìm hiểu thêm về wash, bạn vui lòng liên hệ Công ty TNHH TM Chiến Lược:
Địa chỉ: D11/17B Quách Điêu, ấp 4 xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh, TP.HCM
Điện thoại: 08-62599459 hay 0984204740
Email: nhungkd@washchienluoc.com
Website: www.washchienluoc.com
Facebook: www.facebook.com/WashChienLuocCo

CTV:  Ms Ngo Thi Hong Nhung (Business Development Manager)

5/5 - (1 bình chọn)

 Quảng Cáo Việt Tiến CAD

Bình Luận Bài Viết